Lần đầu tiên sau nhiều tháng, người tiêu dùng được tận hưởng giá xăng dầu giảm trên 3.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nếu không phải trích lập Quỹ Bình ổn giá, mức giảm giá xăng có thể còn lên đến 5.000 đồng/lít.
Xăng có thể giảm tối đa 5.000 đồng nếu bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Theo thông tin của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, kỳ điều chỉnh hôm qua ngày 11/7, số tiền trích Quỹ bỉnh ổn giá xăng dầu là từ 550 đồng đến 950 đồng/lít, gần bằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu (từ 500 đến 1.000 đồng/ lít vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt).
Cụ thể, mức trích nộp Quỹ bình ổn giá đối với xăng ở mức 950 đồng/lít; dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.
Theo một số doanh nghiệp đầu mối phía Bắc, nếu không phải trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu rất có thể được giảm mạnh xuống dưới 5.000 đồng/lít dưới tác động hỗ trợ của chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.
PGS. TS Phạm Thế Anh, Viện VEPR cho rằng, giá xăng dầu trong nước giảm ngày 11/7 do giá thế giới giảm mạnh, chứ không phải do tác động chính sách của điều chỉnh thuế phí. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng/lít, thỉ số tiền trích Quỹ bình ổn giá đã là từ 550 đồng đến 950 đồng/lít, tương đương mức giảm thuế bảo vệ môi trường.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính lý giải, để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng giảm nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu ở mức hợp lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bối cảnh giá xăng cao như hiện nay, việc Liên Bộ Tài chính - Công Thương trích nộp Quỹ Bình ổn giá là không phù hợp bởi điều này không tạo điều kiện giúp giá xăng dầu giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc trích nộp vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu số tiền tương ứng với số tiền thuế bảo vệ môi trường được giảm làm giảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách, khiến tác động giảm thuế bảo vệ môi trường không rõ rệt với giá xăng dầu.
Theo đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, việc giảm giá trên 3.000 đồng/lít xăng dầu có thể hạ nhiệt giá cả trong nước, giúp doanh nghiệp giảm áp lực, chi phí đầu vào. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm những nguy cơ tiềm ẩn của giá xăng tăng cao vẫn còn khi kinh tế Trung Quốc hồi phục do nước này mở cửa trở lại, chiến sự Nga- Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…
Việc ổn định sản xuất của OPEC+ và việc Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng.
Theo chuyên gia từ Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, từ nay đến cuối năm giá xăng dầu vẫn có những biến động hết sức khó lường. "Khi nền kinh tế thế giới hồi phục, Trung Quốc chủ động mở cửa nền kinh tế nhu cầu xăng dầu tăng lên, thị trường xăng dầu sẽ nóng trở lại.
"Bản chất tác động đến giá xăng dầu hiện nay chính là sự xung đột giữa Nga và Ukraine chưa thể được tháo gỡ. Đây chính là mấu chốt đẩy giá xăng dầu tăng cao", đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết.
Hiện, dữ liệu giá xăng dầu thế giới, khu vực hoàn toàn có lợi cho đợt điều chỉnh giá xăng dầu giảm. Theo Bộ Công Thương bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 01/7/2022 và ngày 11/7/2022 là: 128,707 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 19,070 USD/thùng, tương đương giảm 12,90% so với kỳ trước); 136,530 USD/thùng xăng RON95 (giảm 18,314 USD/thùng, tương đương giảm 11,83% so với kỳ trước; 140,858 USD/thùng dầu hỏa (giảm 21,062 USD/thùng, tương đương giảm 13,00% so với kỳ trước); 146,705 USD/thùng dầu diezen (giảm 20,690 USD/thùng, tương đương giảm 12,36% so với kỳ trước); 533,750 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 72,645 USD/tấn, tương đương giảm 11,980% so với kỳ trước).