Cập nhật lúc 7h15 sáng nay (22/7), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 96,26 USD/thùng, tăng 0,08% trong phiên. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent ở mức 103,89 USD/thùng, tăng nhẹ 0,03%.
Giá dầu thô giảm khoảng 3 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ năm (21/7), vì tồn kho xăng của Mỹ tăng và sau khi một đợt nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu.
Trong khi đó sự trở lại của nguồn cung dầu từ Libya và dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu được khơi thông trở lại làm hạ nhiệt quan ngại về nguồn cung.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu thô đã được phục hồi tại một số mỏ dầu, sau khi dỡ bỏ điều kiện bất khả kháng đối với xuất khẩu dầu vào tuần trước.
Dòng chảy qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 của Nga, chạy dưới Biển Baltic tới Đức, được nối lại một phần sau khi ngừng hoạt động để bảo trì vào ngày 11/7. Đường ống này đã chạy với khối lượng thấp sau khi xảy ra tranh chấp giữa Nga và Ukraine.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 3,06 USD/thùng (2,9%) xuống 103,86 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,53 USD/thùng (3,5%) xuống 96,35 USD. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 5 USD vào đầu phiên.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu thô có thể tiếp tục giảm do sức ép kép từ triển vọng tiêu thụ giảm và các rủi ro vĩ mô.
Giá dầu WTI hiện đang tiếp tục giảm trong phiên sáng, trong bối cảnh thị trường hầu như vắng bóng các tin tức hỗ trợ cho giá.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục cho nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ đang suy yếu. Tồn kho xăng tại Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/7, vì thế, ngay cả khi tồn kho dầu thô giảm cũng không thể thu hút sức mua cho thị trường.
Bên cạnh đó, tiêu thụ xăng trong tuần trước dù tăng lên 8,52 triệu thùng, tuy nhiên vất thấp hơn mức 9,3 triệu thùng của năm ngoái và mức trung bình 4 năm là 8,73 triệu thùng. Đây là giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa hè, và giá xăng của Mỹ đã giảm liên tiếp trong vòng 36 ngày, với một số bang giá đã giảm xuống dưới mức 4 USD/thùng, tuy nhiên những điều này là không đủ để lôi kéo nhu cầu tiêu thụ.
Có thể thấy áp lực lạm phát đặc biệt là chi phí năng lượng đã khiến cho người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu. Ngoài ra, sức mua trên thị trường dầu bị kiềm chế khá nhiều khi mà triển vọng tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu ngày càng kém khả quan. Các nhà phân tích tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 3,9%, do nền kinh tế thứ hai toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh.
Ngân hàng Trung ương EU (ECB) đã có cuộc họp lãi xuất. Nếu cơ quan này tăng lãi suất nhiều hơn mức dự báo là 0,25%, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể sẽ còn suy yếu mạnh hơn trước những rủi ro về suy thoái của khu vực EU. Lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm có thể sẽ gia tăng thêm sự bất ổn cho mền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng lạm phát.
Hiện nay, các yếu tố tiêu cực về nhu cầu tiêu thụ đang lấn át những lo ngại về nguồn cung, nên giá dầu có thể sẽ chưa lấy lại sắc xanh.
Giá xăng dầu tại thị trường trong nước
Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa có quyết định điều hành giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm 21/7.
Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá xăng dầu Cụ thể như sau: Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, giá bán ra từ 15 giờ ngày 21/7 về mức 25.070 đồng/lít. Xăng RON 95 là 26.070 đồng, giảm 3.600 đồng.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm: Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng/lít. Dầu hoả giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng/lít. Dầu mazút giảm 2.380 đồng, giá còn 16.540 đồng/kg.
Ngoài yêu cầu giảm giá, cơ quan quản lý tiếp tục ngừng chi Quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng, dầu.
Trong khi đó, mức trích vào quỹ vẫn giữ như kỳ điều hành trước. Theo đó, mức trích Quỹ với xăng E5 RON92 và RON95-III là 950 đồng/lít; dầu diesel là 550 đồng; dầu hoả 700 đồng; và mazút là 950 đồng/kg.
Đây là kỳ giảm giá thứ 3 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay.
Giá bán xăng dầu ngày 22/7 như sau: Xăng RON 95-V từ mức 30.350 đồng/lít xuống còn 26.750 đồng/lít; xăng RON 95-III từ mức 29.670 đồng/lít xuống còn 26.070 đồng/lít ; xăng sinh học E5 RON 92 từ mức 27.780 đồng/lít xuống còn 25.070 đồng/lít; dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5 từ mức 27.590 đồng/lít xuống còn 26.830 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 26.340 đồng/lít xuống còn 25.240 đồng/lít.
Được biết, giá xăng RON 95 tối đa có thể hạ 4.500 đồng về 25.000 đồng/lít nhưng cơ quan điều hành chỉ giảm 3.600 đồng do vẫn trích Quỹ bình ổn.
Ở kỳ điều hành này, xăng RON 95-III giảm 12%, E5 RON 92 hạ 10% so với cách đây 10 ngày, nhưng mức này vẫn thấp hơn đà giảm của thế giới (13-15%).
Trong khi đó, nhà điều hành vẫn duy trì mức trích lập vào Quỹ bình ổn như cách đây 10 ngày là 950 đồng/lít với E5 RON 92, RON 95-III và dầu mazut; dầu diesel là 550 đồng. Đây là lần thứ hai liên tiếp cơ quan quản lý duy trì mức trích lập vào quỹ "mạnh tay" như vậy.
Theo tính toán, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu không phải trích lập gần 1.000 đồng mỗi lít xăng vào quỹ, giá xăng RON 95-III đã có thể hạ hơn 4.500 đồng/lít. Tương tự, E5 RON 92 đã có thể giảm khoảng 3.600 đồng/lít; dầu diesel gần 2.300 đồng.
Thực tế, giá xăng dầu hiện vẫn cao hơn 1.900-2.100 đồng so với hồi tháng 1/2022. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn, giúp họ ổn định đời sống, phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu xăng. Cụ thể, Bộ này có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay.
Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Như vậy, sau 19 đợt điều chỉnh, giá xăng vẫn tăng tới trên 30% do ảnh hưởng bởi giá dầu thô thế giới liên tục leo thang. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế đã giúp giá xăng dầu trong nước phần nào hạ nhiệt.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 19 đợt điều chỉnh trong đó có 13 đợt tăng, 6 đợt giảm. Sau một chuỗi ngày tăng nóng trong quý II/2022, giá xăng đã có 3 đợt giảm liên tiếp trong tháng 7 nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt. Giá xăng hôm 21/7 có mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay.