Sau khi đạt đỉnh vào tháng 12/2020, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giảm mạnh vào các tháng quý III/2021, đỉnh điểm là tháng 8/2021 khi cả nước và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
Tính chung 9 tháng năm 2021, vận tải hàng hoá đường bộ đạt hơn 892,59 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 61,85 tỷ tấn/km, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng nhanh nhất sẽ là vận chuyển hàng hóa chặng ngắn
Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải đường bộ được dự báo sẽ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp logistics vận tải của Việt Nam. Bởi, lĩnh vực này dễ thâm nhập hơn so với vận tải đường sắt, đường hàng không hay đường biển.
Ngoài ra, vận tải đường bộ hiện đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, phục vụ trên 70% tổng lượng vận tải hàng hóa. Các doanh nghiệp vận tải đường bộ đi lên từ quy mô các hộ gia đình với 2-3 xe tải và tăng dần số lượng xe sẽ tham gia vào thị trường, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn đặc biệt là ở những phân khúc hàng hóa thông thường. Xe tải lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn và dễ dàng hơn khi đất nước mở cửa thị trường cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp với quy mô nhỏ thâm nhập thị trường – ông Khoa cho biết.
Ông Khoa cũng dự báo, phân khúc vận tải siêu trường siêu trọng, vận tải hàng chuyên dụng, hàng nguy hiểm (hóa chất), hàng đông lạnh cũng có triển vọng tốt để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp…sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh nhất sẽ là vận chuyển hàng hóa chặng ngắn, phục vụ giao hàng dặm cuối trong nội đô, đặc biệt cho phân khúc giao hàng thương mại điện tử do ngành này được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Vì sao đắt nhưng vẫn được chọn?
Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường bình quân chiếm khoảng 10%. Ngoài các chi phí trên, vận tải đường bộ còn phải gánh không nhỏ chi phí không chính thức (hay còn gọi là tiêu cực phí trên đường vận chuyển). Con số này chiếm không dưới 5%.
Cụ thể, một container loại 20 feet từ Hải Phòng đến TP.HCM mất khoảng 30 - 35 triệu đồng; Container 40 feet khoảng 37 triệu đồng, trong khi đường biển chỉ mất trên 5 triệu đồng/container 20 feet và gần 7 triệu đồng/container loại 40 feet - ông Tiến cho biết.
Xét theo phương thức vận chuyển, đường bộ vẫn là phương thức chiếm ưu thế khi chiếm 74,7% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 9 tháng năm 2021. Song so về giá thành, vận tải đường bộ còn cao hơn nhiều so với các loại hình khác như đường thủy, hàng hải. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dịch vụ vận tải đường bộ dù đắt đỏ hơn so với đường sắt, đường thủy, hàng hải nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương thức vận tải này.
Theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Mặc dù vậy, chủ hàng vẫn lựa chọn phương án đường bộ vì vận tải đường bộ kết nối trực tiếp được với hệ thống cảng biển, sân bay, nhà ga, có khả năng thích nghi cao với mọi địa hình và có thể chủ động về thời gian vận chuyển.
Dịch bệnh COVID-19 diễn ra ngày càng phức tạp hơn so với năm 2020, bùng phát ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm ở cả phía Bắc và phía Nam. Ở phía Bắc tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Phía Nam tập trung chủ yếu TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nơi có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI nên khi các địa phương này này trở thành tâm dịch đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp logistics vận tải gặp khó khăn, nhất là tình trạng bị lây nhiễm dịch của lái xe và nhân viên làm hàng.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu: Do lưu lượng hàng hóa không đều, cũng như do tình hình dịch bệnh phức tạp nên việc vận hành gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn ra không liên tục, các chi phí phát sinh như xét nghiệm, cách ly, hoặc các phụ yếu phẩm hoàn toàn do doanh nghiệp tự chi trả.
Ví dụ một chiếc xe container một tháng không hoạt động sẽ mất những chi phí cố định như sau: 1,5 triệu phí bảo trì đường bộ, 1,2 triệu tiền gửi xe, 100.000 đồng tiền giám sát hành trình và 100.000 đồng tiền camera giám sát, tổng là 2,9 triệu chưa kể các chi phí khác. Khối lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm mạnh, phải cách ly lái xe, hoặc đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn rất lớn cho dịch vụ vận tải đường bộ.