Ngành vận tải là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tạo ra lợi ích đáng kể cho tất cả các thành phần và khu vực kinh tế. Tuy nhiên, khi làm việc trong ngành vận tải - nắm bắt xu hướng để tạo bước nhảy vọt lại không phải là điều đơn giản.
Vận tải cũng là một trong những ngành có nguồn nhân lực dồi dào và tạo ra mức thu nhập trung bình tương đối cao. Các vị trí việc làm trong ngành vận tải được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ những tiến bộ công nghệ và các yếu tố khác như quan hệ kinh tế tự nhiên và sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này là phải chuẩn bị thật tốt trước những thay đổi đó - để thích nghi, tối thiểu chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.
Xu hướng phát triển ngành vận tải
Trong thời đại 4.0, ngành vận tải sẽ trải qua 4 xu hướng phát triển chính: ứng dụng công nghệ 4.0, mua sắm trực tuyến, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) và đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh. E-logistics, green logistics, E-documents,... đã trở thành xu hướng tại các nước đang phát triển. Robot, AI, điện toán đám mây hay blockchain cũng được sử dụng nhiều để tối ưu và thay thế con người thực hiện một số dịch vụ bốc dỡ hàng hóa.
Trình độ ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải của Việt Nam tuy còn thấp; tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì doanh nghiệp Việt sẽ nhanh chóng thích nghi với những xu thế này và thậm chí còn đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn nữa. Công nghệ được sử dụng ở nước ta mới chỉ tập trung ở phần mềm khai báo hải quan, email và dịch vụ Internet cơ bản,... góp phần tối ưu chi phí và nguồn lực cũng như chuẩn hóa quy trình một phần.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng hết tiềm năng phát triển của ngành, đã tạo cơ hội cho nhiều công ty nước ngoài gia nhập vào thị trường thông qua hình thức M&A. Họ không chỉ tận dụng được mạng lưới khách hàng và kinh nghiệm vận hành sẵn có mà còn tạo ra những thách thức buộc các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng đổi mới, đầu tư vào hệ thống quản lý vận tải, kho bãi cung như khả năng cung ứng dịch vụ vận tải để bắt kịp xu thế để tạo bước nhảy vọt.
Một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam chưa thể tận dụng được hết tiềm năng phát triển của ngành chính là chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực ngành vận tải Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn kém về chất lượng, đặc biệt là nhân lực cấp chuyên viên hay quản lý. Theo một báo cáo mới đây, có tới 93 - 95% người lao động trong các doanh nghiệp vận tải và logistics không được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Điều này ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng dịch vụ và khả năng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Những thách thức trong ngành vận tải
Theo Vietnam Report, ngành vận tải của nước ta hiện nay đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn:
Cơ sở hạ tầng yếu kém
Theo báo cáo này, cơ sở hạ tầng yếu kém được coi là thách thức lớn nhất đối với gần 82% các doanh nghiệp, bao gồm cả hạ tầng thương mại, giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Sự thiếu đồng bộ đã khiến cho các cá nhân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ nội địa và quốc tế, đặc biệt là để nhanh chóng bắt kịp xu hướng E-Logistics mới nổi trên toàn cầu.
Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính phức tạp
Mặc dù đã có những cải cách đáng kể nhưng thủ tục hành chính vẫn khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc. Các chính sách về thông quan hàng hóa hay xuất nhập khẩu khá chặt chẽ; trong khi đó, các nghị định mới lại thiếu hướng dẫn rõ ràng; khiến cho các công ty trong ngành lúng túng và làm chậm nhịp độ phát triển của họ.
Chi phí đầu tư cao, đè nặng lên vai doanh nghiệp
Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành vận tải đang phải chi trả cho rất nhiều chi phí như giá nhiên liệu (xăng dầu - khoảng 45% tổng chi phí), phí cầu đường (10 - 20%), chi phí cảng biển, lưu kho bãi, nâng hạ container,... Chưa kể tới việc hạ tầng giao thông yếu kém còn khiến cho thời gian lưu thông xe chậm hơn, làm tăng thêm chi phí nhiên liệu vốn đã rất đắt đỏ.
Thiếu hụt lao động chất lượng cao
Với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt nam đang thiếu đến 2 triệu lao động ngành vận tải. Con số này thậm chí còn tăng cao hơn nữa khi mà nước ta tham gia vào các cộng đồng kinh tế và hiệp định thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới.
Không những vậy, nguồn nhân lực của ngành này còn yếu kém cả về chất lượng. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thống kê có tới trên 80% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên khi vào làm việc. Các vị trí cán bộ quản lý thậm chí vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và lấp đầy khoảng trống của 2 triệu nhân lực cũng như loại bỏ điểm yếu về chất lượng, các nhà hoạch định chính sách đào tạo và chuyên gia giáo dục cần phải xây dựng một ngành học logistics/vận tải bài bản và hệ thống. Các cơ sở đào tạo bên cạnh kiến thức chuyên môn, cần phải cung cấp cho sinh viên cả kỹ năng mềm và tính chuyên nghiệp.