Giá dầu thô giằng co trong phiên giao dịch sáng nay trong bối cảnh lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn và rõ ràng. Trong nước, giá xăng kỳ điều chỉnh ngày 21/7 được dự báo có thể tiếp tục giảm khá mạnh... Lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn và rõ ràng khiến giá dầu hôm nay giằng co mạnh, trong đó dầu Brent trồi sụt trước mốc 100 USD/thùng.
Giá dầu thô giằng co mạnh
Cập nhật lúc 10h20 sáng nay, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng trở lại 0,32% lên 97,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng tăng 0,64% lên 101,81 USD/thùng.
Trước đó, vào đầu giờ sáng ngày 18/7, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 93,53 USD/thùng, giảm 1,04 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 99,85 USD/thùng, giảm 1,31 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 18/7 giằng co mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm, đặc biệt là tại Trung Quốc bởi diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19.
Dữ liệu mới nhất được công bố hôm 13/7, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018 do các nhà máy lọc dầu của nước lại hạn chế công suất do lo ngại các đợt phong toả sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu
tiêu thụ.
Cụ thể, sản lượng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã giảm gần 10% so với 1 năm trước. Riêng tháng 6, sản lượng đã giảm tới 6%.
Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đều đưa cảnh báo về nhu cầu dầu toàn cầu đang giảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn.
Còn theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu đã giảm xuống còn 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Ngày 11/7, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng Euro. Trước đó, hồi tháng 5/2022, EC đã hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 2,7%, giảm mạnh so với dự
báo 4% được đưa ra hồi tháng 2/2022.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực giảm giá mạnh bởi lo ngại suy thoái kinh tế ngày một lớn bởi tình hình “dịch chồng dịch” đang diễn ra tại nhiều quốc gia, lạm phát leo thang… đe doạ nghiêm trọng nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước.
Đồng USD treo cao cũng là tác nhân khiến giá dầu thô đi xuống vào đầu giờ sáng.
Trước đó, trong một diễn biến khác, ngày 16/7, Thái tử Saudi Arabia (A-rập Xê-út) Mohammed bin Salman cho biết nước này sẽ không có thêm công suất sản xuất để tăng sản lượng dầu thô lên hơn 13 triệu thùng/ngày.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab diễn ra cùng ngày tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman nêu rõ Saudi Arabia đã thông báo tăng công suất sản xuất lên 13 triệu thùng/ngày, do đó quốc gia Trung
Đông này sẽ không có thêm bất kỳ năng lực nào nữa để tăng sản lượng. Saudi Arabia trước cho hay họ đặt mục tiêu đạt công suất sản xuất 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Thái tử Mohammed bin Salman nhấn mạnh cần phải có các nỗ lực thống nhất để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, cho rằng các chính sách phi thực tế liên quan đến các nguồn năng lượng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát.
Ông nói: "Việc áp dụng các chính sách phi thực tế để cắt giảm lượng khí thải bằng cách loại trừ các nguồn năng lượng chủ chốt sẽ dẫn đến lạm phát chưa từng có, đẩy giá năng lượng lên cao, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và dẫn đến các
vấn đề xã hội và an ninh ngày càng trầm trọng hơn".
Giá xăng dầu tại thị trường trong nước
Tại thị trường trong nước, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh.
Theo đó, kể từ 0h ngày 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 3.110 đồng/lít, xuống mức không quá 27.780 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít, xuống mức không quá 29.670 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh, trong đó dầu diezel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức không quá 26.590 đồng/lít; dầu hoả giảm còn không quá 26.345 đồng/lít…
Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Cùng với đó, cơ
quan quản lý yêu cầu ngừng chi sử dụng Quỹ đối với các loại xăng dầu.