Cả hai loại dầu thô giảm mạnh, biến động liên tục và mất 4% khi kết thúc phiên giao dịch sau khi tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cho tăng sản lượng và hy vọng nhu cầu được cải thiện.
Ngày 4/8, đà giảm của giá dầu thô chững lại, dầu WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 90,6 USD/thùng; dầu thô Brent chuẩn toàn cầu dừng ở mức 96,8 USD/thùng. Tuy nhiên, so cùng thời điểm hôm qua (3.8), cả hai loại dầu thô mất gần 3 USD/thùng.
Khuya 3/8 kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 3,7% xuống 96,78 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 4% xuống 90,66 USD.
Giá dầu thô hôm nay có thể tăng trở lại do thị trường hoài nghi nguồn cung. Kết thúc cuộc họp ngày 3.8, OPEC+ đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới, con số này thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 600.000 thùng/ngày được OPEC+ đặt ra cho tháng 7 và tháng 8.2022. Mức tăng sản lượng khiêm tốn này xóa tan hy vọng nguồn cung có thể dồi dào trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thông tin về việc G7 tiếp tục xem xét khả năng chặn đường đi của dầu thô Nga cũng được xem là một trong lý do đẩy giá dầu tăng. Tại Trung Quốc thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn thứ hai thế giới, dữ liệu mới được công bố cũng cho thấy, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này trong tháng 7 chỉ đạt 49 điểm, thấp hơn mức 50,2 điểm của tháng 6. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp nhiều.
Trong nước, tối 3.8, tại cuộc họp báo Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu sẽ "căn cứ tình hình thị trường cụ thể". Đến nay, Bộ đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Hiện nay, văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên để trình Chính phủ ký ban hành. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản.
Ngày 4.8, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 25.608 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 24.533 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Mức giá trên có hiệu lực từ chiều 1.8. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 20 đợt điều chỉnh, trong đó có 13 đợt tăng và 7 đợt giảm.